Thiết kế mạng lưới logistics là một trong những vấn đề quyết định chiến lược toàn diện nhất cần được doanh nghiệp chú trọng và tối ưu hóa để có thể vận hành hiệu quả. Các nhà quản lý phải có khả năng thích ứng để thiết kế lại mạng lưới phân phối một cách thường xuyên, và để đảm bảo mạng lưới có thể hoạt động với chi phí thấp nhất nhưng đem lại trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng.
Để tạo ra một thiết kế mạng lưới tối ưu, chúng tôi khuyến nghị một quy trình thiết kế gồm 7 bước:
1. Thiết kế quy trình
Trong bước này, nhóm thiết kế sẽ bắt đầu bằng cách đưa ra các mục tiêu và phạm vi của dự án, với mục tiêu đã được định sẵn. Vì đây là những dự án lớn, cần bỏ nhiều vốn, nên nhóm cần có một người quản lý dự án chính thức nắm rõ quy trình. Một trong những yếu tố quan trọng là việc đặt ra những quy định chính thức, điều này sẽ xác định phạm vi công việc, mục tiêu và kết quả cuối cùng. Quy định cần có những điều mục rõ ràng để phân công nhiệm vụ, nhân viên và ngân sách cho người quản lý. Khi khung tổng thể cho một dự án đã được thiết lập, các bước thiết kế tiếp theo sẽ được thảo luận và tiến tới tạo lập một trình tự cụ thể. Đối với từng bước, nhóm phải xác định yếu tố đầu vào, công cụ và kỹ thuật cần thiết và đầu ra. Những đầu ra này thường sẽ trở thành đầu vào cho những bước tiếp theo. Bằng cách này, các bước sau có thể được tinh chỉnh với thông tin thu được từ các bước trước, giúp tạo ra một kế hoạch chi tiết hơn.
Điều quan trọng còn nằm ở việc phải đảm bảo rằng quy trình được liên kết chặt chẽ với chiến lược tổ chức và chuỗi cung ứng. Chiến lược tổng thể có thể được liệt kê ra và mỗi mục tiêu sẽ được liên kết lại để cho thấy cách nó hỗ trợ các phần cụ thể của chiến lược. Cần đặt ra yêu cầu chi tiết và gắn liền với mục tiêu đã đề ra. Nhà quản lý cần xác định rõ mục đích cần đạt được vì điều này sẽ ảnh hưởng tới sự thành công của dự án. Ngoài ra, có các mục tiêu rõ ràng cũng sẽ giúp không vượt quá phạm vi dự án, khi một dự án tiếp tục nhận được những yêu cầu mới mà không đồng thời được cấp thêm thời gian và tài nguyên. Hãy nhớ rằng, vượt phạm vi của dự án là một lý do chính dẫn đến thất bại.
2. Xác định yếu tố cần thay đổi
Một yếu tố quan trọng khác là một mạng lưới logistics đòi hỏi doanh nghiệp liên tục phải cập nhật và thay đổi. Mạng lưới cần được thay đổi khi cần thiết để thích ứng với các yêu cầu mới và tình huống mới. Doanh nghiệp cần xác định đã bao lâu kể từ lần cuối mạng lưới được đánh giá hoặc thay đổi. Ví dụ, một mạng lưới đã giữ nguyên trong nhiều năm sẽ cần có những đánh giá nghiêm túc.
Có một vài yếu tố phổ biến thường dẫn đến sự thay đổi của mô hình:
- Lợi thế cạnh tranh: Tạo ra lợi thế cạnh tranh đòi hỏi những thay đổi lớn về mặt tổ chức, từ việc áp dụng hệ thống thông tin mới đến các hệ thống quản lý mới. Điều này cũng có thể đến từ các dịch vụ đi kèm, với điều kiện là chúng có thể được cung cấp ở một mức giá cạnh tranh.
- Chi phí: Việc từng bước tăng hoặc cắt giảm chi phí nhưng song song với việc đảm bảo tính hiệu quả cũng cần thiết cho sự tồn tại của doanh nghiệp.
- Thay đổi khách hàng: Có thể là khách hàng hoặc chính mô hình kinh doanh có sự thay đổi. Trong trường hợp này, một mạng lưới mới sẽ giúp công ty đối phó với những khó khăn.
- Thị hiếu khách hàng thay đổi: Trong tình huống này, nhiều công ty sẽ quyết định tiếp cận các thị trường mới để tìm kiếm khách hàng mới.
- Thay đổi thị trường cung ứng
- Thay đổi quy trình sản xuất
- Sáp nhập, mua lại và thoái vốn
3. Đánh giá và đo lường mạng lưới hiện tại
Bước tiếp theo trong quy trình là dành thời gian để kiểm toán chi phí, thời gian thực hiện và các thông số khác của mạng lưới hiện tại. Trong một cuộc kiểm toán, các công ty được khuyến nghị:
- Thu thập dữ liệu và thông tin doanh nghiệp
- Lập bản đồ hệ thống hiện tại
- Mô tả các hoạt động và chức năng chính của mạng lưới
- Nhận biết khoảng cách giữa chiến lược hiện tại và năng lực thực tế
- Tạo ra các kế hoạch chiến thuật để thu hẹp các khoảng cách.
4. Đánh giá các lựa chọn thay thế khác
Có rất nhiều kỹ thuật và mô hình khác nhau có thể được áp dụng để đánh giá các lựa chọn thay thế. Mục tiêu chung cần đạt được ở bước này là tìm ra một hệ thống hiệu quả và phù hợp với chi phí giữ ở mức tối ưu. Mỗi phương án cần được so sánh với các tiêu chí cụ thể để đảm bảo rằng chúng đều có thể giải quyết yêu cầu đã đề ra. Kết quả đạt được nên phù hợp với số lượng các cơ sở của mạng lưới cùng với mục đích chung và vị trí của chúng.
5. Lên kế hoạch về cơ sở vật chất
Việc lập kế hoạch được thực hiện ở giai đoạn này. Ý tưởng sẽ bắt đầu với phân tích định lượng, thêm các yếu tố định tính và sau đó tiếp tục thu hẹp danh sách cho đến khi có một số lựa chọn thay thế cụ thể. Một nhóm lựa chọn địa điểm có thể được thành lập để trinh sát các địa điểm dựa trên các tiêu chí lựa chọn ưu tiên và kết quả phân tích.
6. Hoàn thiện dự án
Đến giai đoạn này, ý tưởng như hoàn chỉnh sẽ được trình bày cho nhà quản lý, đây cũng là lúc họ có thể yêu cầu và có những nhận định thêm, có thể thực hiện các thay đổi nhỏ hoặc chấp nhận đề xuất. Việc tìm cách tận dụng nguồn tài nguyên hiện có cũng là một yếu tố cần xem xét để kiểm soát chi phí vốn. Khi bản kế hoạch cuối cùng được lựa chọn và ký kết, việc triển khai trên thực tế có thể bắt đầu.
7. Xây dựng kế hoạch thực hiện
Các kế hoạch triển khai có thể sẽ liên quan đến một hoặc nhiều dự án riêng biệt, chẳng hạn như việc mua mới các cơ sở hoặc sửa đổi các cơ sở hiện có. Mỗi kế hoạch này sẽ cần tài trợ, dòng thời gian riêng và vân vân. Cần có một kế hoạch tổng thể để hướng dẫn thứ tự các dự án và theo dõi tiến trình thực hiện so với các mục tiêu chung của mạng lưới.
Khi các dự án đang được tiến hành, nhóm lập kế hoạch có thể thu thập các bài học kinh nghiệm và sử dụng chúng một cách khôn ngoan để tối ưu hoá lại quy trình. Một bài học thực tiễn tốt nhất của bất kỳ dự án nào là theo dõi kết quả theo thời gian và so sánh chúng với kế hoạch ban đầu. Điều này cần phải được thực hiện sau khi có đủ thời gian và có đủ dữ liệu liên quan. Nắm rõ những lý do dẫn đến vượt định mức sẽ giúp tinh chỉnh các dự án trong tương lai.
7 Bước Thiết Kế Mạng Lưới Logistics