top of page

The World Of Innovative Logistics

Abivin vRoute 4.0 is free now!

Covid-19 và Tác động tới Chuyển Đổi Số trong Chuỗi cung ứng Việt Nam

Updated: Jun 1, 2021

Sáng ngày 25/4 vừa qua, Abivin đã vinh dự được đồng hành cùng các chuyên gia đến từ nhiều lĩnh vực từ xuất nhập khẩu, thương mại điện tử đến dịch vụ Logistics để chia sẻ về những thách thức và cơ hội trong giai đoạn Covid-19 cho các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực Logistics và Chuỗi Cung Ứng. Với chiều sâu kinh nghiệm của mình, các diễn giả còn đưa ra những cái nhìn sâu sắc về quản trị rủi ro và định hướng về chuyển đổi số một cách bền vững cho các doanh nghiệp.


Dưới đây là những vấn đề chính được nêu ra trong buổi toạ đàm.

Covid-19 và Tác động tới Chuyển Đổi Số trong Chuỗi cung ứng Việt Nam
Covid-19 và Tác động tới Chuyển Đổi Số trong Chuỗi cung ứng Việt Nam

1. Khó khăn mà Covid-19 mang lại cho các doanh nghiệp và chuỗi cung ứng Việt Nam


Khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp Logistics Việt Nam (VLA) cho thấy, các doanh nghiệp Logistics hiện đang chịu nhiều tác động xấu từ dịch Covid-19 khiến doanh thu trung bình bị giảm từ 10% - 30% so với cùng kỳ năm trước. Theo báo cáo của VLA, có khoảng 15% doanh nghiệp bị giảm 50% doanh thu so với năm 2019 và hơn 50% doanh nghiệp giảm số lượng dịch vụ logistics trong nước và quốc tế từ 10% - 30% so với cùng kỳ năm ngoái.


Ông Đào Trọng Khoa, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam
Ông Đào Trọng Khoa, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam

Là Phó Chủ Tịch VLA, ông Đào Trọng Khoa cũng chia sẻ quan ngại của mình về các khó khăn mà các doanh nghiệp Logistics đang gặp phải với các hãng tàu, hãng hàng không và các nhà cung cấp vận tải bộ. Tuy họ không chịu ảnh hưởng nặng nề từ cách chính sách giãn cách xã hội như các ngành du lịch, hàng không, nhưng việc vận chuyển hàng hoá trong và ngoài nước cũng đang gặp rất nhiều khó khăn.


Ông Trần Thanh Hải, nguyên Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công thương Việt Nam, cho rằng đại dịch này đã mang lại 2 giai đoạn khó khăn cho hoạt động giao thương của Việt Nam:

Ông Trần Thanh Hải trong tọa đàm Covid-19 và tác động tới chuyển đổi số trong Chuỗi cung ứng Việt Nam
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu
  • Giai đoạn 1 - Khi dịch bùng nổ tại Trung Quốc vào cuối tháng 12: Các sản phẩm có tính gia công cao, phụ thuộc vào nguyên liệu nước ngoài như dệt may, da giày bị đứt gãy nguồn cung nguyên liệu dẫn đến tình trạng đình trệ của khâu sản xuất.

  • Giai đoạn 2 - Vào đầu tháng 3: Lúc này các nguồn cung đã được khôi phục một phần, tuy nhiên tại thị trường đầu ra như Mỹ và các nước châu Âu, các cửa khẩu lại đột ngột áp dụng các biện pháp phòng dịch mới gây ra nhiều khó khăn cho khâu xuất khẩu.


Ông Hải còn cho biết đây là lần đầu tiên sau thế chiến thứ II, nền kinh tế thế giới gặp phải trạng thái khủng hoảng liên quan đến đứt gãy chuỗi cung ứng. Với các doanh nghiệp xuất khẩu, nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu thô từ nước ngoài và đặc biệt là Trung Quốc là rất lớn. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp gần như bị đóng băng vì không tìm được nguồn cung. Nhưng khi tìm được nguồn cung để xuất khẩu, họ lại gặp phải tình trạng không phân phối hàng được. Khi xử lý được việc phân phối hàng, doanh nghiệp lại mất thời gian với các thủ tục hành chính mới từ các nước nhập khẩu, khiến chất lượng của một số sản phẩm bị ảnh hưởng.


Ngoài ra, theo ông Hải, Covid-19 còn ảnh hưởng trực tiếp đến hành vi tiêu dùng của các đối tượng tiêu thụ. Thêm vào đó, Nhu cầu thị trường bị giảm do các biện pháp giãn cách xã hội của chính quyền. Tất cả những khó khăn này đang khiến các doanh nghiệp trong lĩnh vực Logistics và Chuỗi Cung Ứng phải đối mặt với những tổn thất nặng nề về tài chính.


Ông Phạm Trường Giang, Phó Tổng Giám Đốc Công ty CP Express Thành Đạt, là một doanh nghiệp chuyên vận chuyển hàng nội địa, cho biết đối tác của anh từ Nhật cũng đang chịu nhiều hậu quả nặng nề từ dịch Covid-19. Các nhân viên đang không còn việc làm do các công ty phải đóng cửa dẫn đến sụt giảm mạnh về doanh thu lên đến 50%.

Ông Phạm Trường Giang, Phó Tổng Giám Đốc Công ty CP Express Thành Đạt
Ông Phạm Trường Giang, Phó Tổng Giám Đốc Công ty CP Express Thành Đạt

2. Những cơ hội cho Doanh Nghiệp Việt Nam trong việc đổi mới Logistics và Chuỗi Cung Ứng


Covid 19 đã và đang làm thay đổi môi trường kinh doanh, ngoài khó khăn và thách thức, nó còn tạo ra một số cơ hội cho các doanh nghiệp nếu biết tận dụng.


Cơ hội cho Doanh Nghiệp Việt Nam trong việc đổi mới Logistics và Chuỗi Cung Ứng
Cơ hội cho Doanh Nghiệp Việt Nam trong việc đổi mới Logistics và Chuỗi Cung Ứng

Trong quá trình theo dõi sự vận hành của các doanh nghiệp xuất khẩu trên nền tảng Alibaba, ông Trần Đình Toản, Phó tổng giám đốc CTCP Đầu tư và Công nghệ OSB chia sẻ “Trong giai đoạn tháng 12/2019 đến 2/2020, lượng hỏi hàng của các nhà nhập khẩu quốc tế tăng đột biến lên các doanh nghiệp Việt Nam”. Ông Toản nhận xét rằng đây chính là “Thời điểm vàng" để các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào cuộc chơi. Bình thường các doanh nghiệp xuất khẩu ở Việt Nam luôn phải cạnh tranh rất khốc liệt với các doanh nghiệp Trung Quốc, tuy nhiên vào bối cảnh Covid-19, khi mà thị trường Trung Quốc gần như đóng băng, các doanh nghiệp Việt Nam nên tận dụng tốt cơ hội này để tìm kiếm các nhà nhập khẩu mới.


Ông Trần Đình Toản, Phó Tổng Giám đốc CTCP Đầu tư và Công nghệ OSB
Ông Trần Đình Toản, Phó Tổng Giám đốc CTCP Đầu tư và Công nghệ OSB

Giải thích sâu hơn về cơ hội này, theo ông Toản, trong thời gian qua, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang dần chuyển dịch xu hướng của các nhà nhập khẩu từ Trung Quốc về Việt Nam. Covid-19 chính là chất xúc tác làm cơ hội đó bùng nổ. Ngoài ra, tâm lý hành vi người mua hàng cũng đã thay đổi rõ rệt khi phải cách ly tại nhà. Xu hướng mua hàng đang chuyển dần từ ngoại tuyến sang trực tuyến. Đây chính là thời gian cho các doanh nghiệp Việt tiếp cận với các nền tảng thương mại điện tử.


Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố thuận lợi, ông Toản cũng đưa ra khuyến cáo cho các doanh nghiệp trước sự cạnh tranh khốc liệt của nền tảng này. Thông thường các kênh trực tuyến sẽ không thể đem lại hiệu quả ngay lập tức, nhưng thông qua quá trình ứng dụng này, kinh nghiệm của doanh nghiệp sẽ được vun đắp dần.


3. Lời khuyên của các chuyên gia cho các Doanh nghiệp về việc quản lý rủi ro


“Có những điều bạn có thể học được tốt nhất trong những lúc giông bão" - ông Toàn chia sẻ.

Thông qua Covid - 19, các doanh nghiệp có 3 điều cần học hỏi để rút kinh nghiệm:

  • Thứ nhất, quy chuẩn lại quy trình hoạt động và quản lý đồng bộ theo hướng đơn giản và lượng hoá nhiều nhất có thể

  • Thứ hai, áp dụng công nghệ phần mềm để phục vụ công tác quản lý, điều hành hoạt động có hiệu quả nhất

  • Thứ ba, luôn có dự phòng về tài chính để đề phòng các khó khăn không lường trước được.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cần phải đa dạng hóa thị trường người mua và người bán, không nên quá trung thành với chỉ một nhà cung cấp hoặc người mua truyền thống. Vì khi khủng hoảng xảy ra, doanh nghiệp sẽ rất khó có thể tìm được nhà cung cấp, mua hàng mới. Cũng theo ông Toản, các doanh nghiệp, đặc biệt là các Nhà Bán Sỉ nên chia nhỏ đơn hàng để phòng tránh rủi ro cho mình vả cả những người mua hàng.


Bài học doanh nghiệp rút ra từ Covid-19
Bài học doanh nghiệp rút ra từ Covid-19

Khi nhắc đến các sự cố và rủi ro, ông Đào Trọng Khoa cũng chia sẻ góc nhìn của Hiệp hội. Theo ông, các doanh nghiệp cần phải triển khai giải pháp BCP (Business Continuity Plan) để đảm bảo việc kinh doanh không bị gián đoạn khi những tình huống bất thường xảy ra.


4. Xây dựng Chuỗi Giá Trị bền vững cho doanh nghiệp


Để xây dựng Chuỗi Giá Trị bền vững cho doanh nghiệp, các diễn giả đều đồng ý rằng các nhà lãnh đạo không nên chỉ tập trung vào việc nâng cao doanh thu trước mắt, mà phải tập trung vào 3 yếu tố sau để đặt nền móng cho sự phát triển lâu dài:

  • Thứ nhất, yếu tố “Con người", đây là những thay đổi về tư duy quản trị. Các lãnh đạo cần xây dựng một văn hoá ứng dụng chuyển đổi số xuyên suốt trong nội bộ để xây dựng một đội ngũ nhân lực chuyên nghiệp.

  • Thứ hai, yếu tố “Quy trình", đây là thay đổi về cách thức vận hành của doanh nghiệp để ráp nối con người và công nghệ. Từ đó gián tiếp nâng cao năng suất cho doanh nghiệp.

  • Thứ ba, yếu tố “Công cụ", đây là thay đổi về các giải pháp phần mềm và phần cứng trong quy trình vận hành để trực tiếp nâng cao năng suất cho doanh nghiệp.


Cũng giống như con người, doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị và tôi luyện để tăng sức chống chịu, ông Hải chia sẻ. Quy trình chuyển đổi số chính là hình thức rèn luyện của doanh nghiệp để đối mặt với khủng hoảng. Ông Hải bày tỏ niềm tin sau đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp sẽ có một cái nhìn nghiêm túc hơn về chuyển đổi số, để gia tăng “nội lực” cho mình. Ông Đào Trọng Khoa cũng bổ sung, việc chuyển đổi số trong quy trình kinh doanh sẽ tạo ra các cơ hội và giá trị mới cho doanh nghiệp.


5. Lộ trình chuyển đổi số cho các doanh nghiệp Logistics


Ông Phí Anh Tuấn, CEO Pat Consulting
Ông Phí Anh Tuấn, CEO Pat Consulting

Ông Phí Anh Tuấn, CEO của PAT Consulting kiêm Phó Chủ Tịch Hội tin học thành phố Hồ Chí Minh cho rằng một lộ trình chuyển đổi số cụ thể không nên được lấy làm thước đo để áp dụng lên tất cả các doanh nghiệp. Do vậy, mỗi doanh nghiệp phải tự vạch ra một lộ trình riêng dựa trên những đặc thù của mình. Còn với các doanh nghiệp logistics, vì tính đa dạng trong các loại hình giao vận ví dụ như vận tải nội địa, giao nhận quốc tế, quản lý kho hàng, v.v., ông Tuấn khuyên các lãnh đạo nên cân nhắc một lộ trình ngay từ đầu trước khi lựa chọn các giải pháp tối ưu cho mình. Bởi tích hợp các hệ thống đơn lẻ rời rạc, theo ông Tuấn, sẽ là “một cơn ác mộng" về thời gian và tiền bạc cho doanh nghiệp.


Đồng ý với ông Tuấn, ông Toản cho rằng một số doanh nghiệp đã làm “quá nhanh và quá nhiều trong tất cả các khâu của doanh nghiệp trong việc chuyển đổi số”. Doanh nghiệp cần phải dành thêm thời gian để nhìn lại xem mình cần gì nhất, và đang gặp phải vấn đề nào đáng quan ngại nhất để đưa ra cách xử lý mang tính ổn định và lâu dài. Ví dụ như các doanh nghiệp xuất khẩu nên tìm đầu ra cho mình trên các kênh thương mại điện tử trước sau đó mới nên nghĩ đến việc sản xuất và quy chuẩn hoá. Ông Toản còn nhấn mạnh bản chất của chuyển đổi số là việc mang lại kết quả bền vững cho doanh nghiệp. Ông khuyên các doanh nghiệp không nên quá tham vọng cho việc phát triển chiều sâu mà bỏ qua bản chất của vấn đề đó là phải bán được hàng. Các doanh nghiệp nên dành nhiều thời gian để tìm cho mình một giải pháp cụ thể và phù hợp dựa trên 3 ưu tiên hàng đầu là kết quả, hiệu quả và tính tối ưu (chuyển đổi số).


Xem toàn bộ buổi tạo đàm tại :


0 comments
  • Facebook Social Icon
  • LinkedIn Social Icon
  • YouTube Social  Icon
  • Twitter Social Icon
bottom of page