top of page

Công Nghệ Đổi Mới Ngành Logistics

Abivin vRoute 4.0 đang miễn phí!

Những Điểm Cần Lưu Ý Trong Quy Định Dành Cho Xe Đầu Kéo Và Container

Đã cập nhật: 28 thg 4, 2021


Hiện nay, không khó để bắt gặp xe container ở các thành phố có cảng biển, trên những trục đường quốc lộ hay gần các khu công nghiệp chế xuất. Xe container trở nên rất phổ biến đáp ứng cho nhu cầu của ngành vận tải nói chung và ngành xuất nhập khẩu nói riêng. Đối với những doanh nghiệp muốn bắt tay vào lĩnh vực vận tải, bài viết này sẽ cung cấp những thông tin chung và các điều luật về loại xe này.


I. Một số điều bạn cần biết về xe đầu kéo và container


Xe đầu kéo container
Xe đầu kéo container

Trước tiên, các doanh nghiệp cần hiểu rõ về cấu trúc của một xe đầu kéo trước khi xem xét lựa chọn các hãng xe phù hợp:


  • Xe đầu kéo sơ mi rơ mooc là những loại xe chuyên dùng để vận chuyển hàng hóa hoặc người, bao gồm hai bộ phận tách rời là thùng xe dạng sơ mi rơ moóc và ô tô đầu kéo.

  • Ô tô đầu kéo là ô tô không có bộ phận chở hàng và được thiết kế chuyên để kéo sơ mi rơ moóc. Khi hai bộ phận này kết nối với nhau, sức nặng của sơ mi rơ moóc sẽ được truyền tải một phần đáng kể lên đầu kéo và giúp cho hệ thống này vận hành một cách nhịp nhàng.

  • Đối với xe đầu kéo, tải trọng cho phép được quy định tùy theo số lượng trục. 1 trục xe được hiểu là 2 bánh xe đối diện và liên kết với nhau. Ví dụ bánh xe công thức 6x2 và 6x4 sẽ có 3 trục, mỗi bên lần lượt có 2 và 4 bánh xe, kèm theo đó sẽ là những mooc cũng có 3 trục nhưng chỉ có tác dụng di chuyển.

Kích thước của xe đầu kéo, sơ mi rơ mooc


Kích thước của xe đầu kéo, sơ mi rơ mooc
Kích thước của xe đầu kéo, sơ mi rơ mooc

Kích thước và tải trọng của container theo tiêu chuẩn quốc tế


Theo tiêu chuẩn ISO 668:1995(E), kích thước và trọng lượng container tiêu chuẩn 20’ và 40’ như dưới đây:


Kích thước và tải trọng của container theo tiêu chuẩn quốc tế
Kích thước và tải trọng của container theo tiêu chuẩn quốc tế

Tùy theo đơn vị sản xuất và các loại container khác nhau nên container cũng có nhiều kích thước khác nhau. Nhưng do nhu cầu tiêu chuẩn hóa để có thể sử dụng trên phạm vi toàn cầu nên kích thước của container thường được áp dụng theo tiêu chuẩn ISO. Theo ISO 668:1995(E), các container ISO đều có chiều rộng là 2,438m (8ft).


  • Chiều cao container chủ yếu là 2 loại: container thường (cao 8 feet 6 inch (8’6”)) và container cao (9 feet 6 inch (9’6”)).

  • Chiều dài container sử dụng container 40’ lấy làm chuẩn. Các container ngắn hơn có chiều dài tính toán sao cho có thể xếp kết để đặt dưới container 40’ và vẫn đảm bảo có khe hở 3 inch ở giữa.


II. Những quy định về trục và tải trọng theo Thông tư 46/2015/TT-BGTVT


Quy định về trục và tải trọng xe container
Quy định về trục và tải trọng xe container

Điều 9. Quy định về xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn lưu hành trên đường bộ


1. Xe quá tải trọng là phương tiện giao thông cơ giới đường bộ có tổng trọng lượng của xe hoặc có tải trọng trục xe vượt quá tải trọng khai thác của đường bộ.

2. Xe quá khổ giới hạn là phương tiện giao thông cơ giới đường bộ có một trong các kích thước bao ngoài kể cả hàng hóa xếp trên xe (nếu có) vượt quá kích thước tối đa cho phép của các phương tiện khi tham gia giao thông trên đường bộ, cụ thể như sau:

a) Chiều dài lớn hơn 20 mét hoặc lớn hơn 1,1 lần chiều dài toàn bộ của xe;

b) Chiều rộng lớn hơn 2,5 mét;

c) Chiều cao tính từ mặt đường bộ trở lên lớn hơn 4,2 mét (trừ xe chở container).

3. Xe máy chuyên dùng có tổng trọng lượng của xe, tải trọng trục xe vượt quá tải trọng khai thác của đường bộ hoặc kích thước bao ngoài vượt quá kích thước tối đa cho phép quy định tại khoản 2 Điều này khi tham gia giao thông trên đường bộ được coi là xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn.


Điều 16. Giới hạn tải trọng trục xe


1. Trục đơn: tải trọng trục xe ≤ 10 tấn.

2. Cụm trục kép, phụ thuộc vào khoảng cách (d) của hai tâm trục:

a) Trường hợp d < 1,0 mét, tải trọng cụm trục xe ≤ 11 tấn;

b) Trường hợp 1,0 mét ≤ d < 1,3 mét, tải trọng cụm trục xe ≤ 16 tấn;

c) Trường hợp d ≥ 1,3 mét, tải trọng cụm trục xe ≤ 18 tấn.

3. Cụm trục ba, phụ thuộc vào khoảng cách (d) của hai tâm trục liền kề:

a) Trường hợp d ≤ 1,3 mét, tải trọng cụm trục xe ≤ 21 tấn;

b) Trường hợp d > 1,3 mét, tải trọng cụm trục xe ≤ 24 tấn.


Điều 17. Giới hạn tổng trọng lượng của xe


1. Đối với xe thân liền có tổng số trục:

a) Bằng hai, tổng trọng lượng của xe ≤ 16 tấn;

b) Bằng ba, tổng trọng lượng của xe ≤ 24 tấn;

c) Bằng bốn, tổng trọng lượng của xe ≤ 30 tấn;

d) Bằng năm hoặc lớn hơn và khoảng cách tính từ tâm trục đầu tiên đến tâm trục cuối cùng:

- Nhỏ hơn hoặc bằng 7 mét, tổng trọng lượng của xe ≤ 32 tấn;

- Lớn hơn 7 mét, tổng trọng lượng của xe ≤ 34 tấn.


2. Đối với tổ hợp xe đầu kéo kéo sơmi rơ moóc có tổng số trục:

a) Bằng ba, tổng trọng lượng của tổ hợp xe ≤ 26 tấn;

b) Bằng bốn, tổng trọng lượng của tổ hợp xe ≤ 34 tấn;

c) Bằng năm và khoảng cách từ tâm chốt kéo đến tâm trục bánh đầu tiên của sơmi rơ moóc:

- Từ 3,2 mét đến 4,5 mét, tổng trọng lượng của tổ hợp xe ≤ 38 tấn;

- Lớn hơn 4,5 mét, tổng trọng lượng của tổ hợp xe ≤ 42 tấn.

d) Bằng sáu hoặc lớn hơn và khoảng cách từ tâm chốt kéo đến tâm trục bánh đầu tiên của sơmi rơ moóc:

- Từ 3,2 mét đến 4,5 mét, tổng trọng lượng của tổ hợp xe ≤ 40 tấn; trường hợp chở một container, tổng trọng lượng của tổ hợp xe ≤ 42 tấn;

- Lớn hơn 4,5 mét đến 6,5 mét, tổng trọng lượng của tổ hợp xe ≤ 44 tấn;

- Lớn hơn 6,5 mét, tổng trọng lượng của tổ hợp xe ≤ 48 tấn.


3. Đối với tổ hợp xe thân liền kéo rơ moóc: tổng trọng lượng của tổ hợp xe gồm tổng trọng lượng của xe thân liền (tương ứng với tổng trọng lượng của xe được quy định tại khoản 1 Điều này) và tổng tải trọng các trục xe của rơ moóc được kéo theo (tương ứng với tải trọng trục xe được quy định tại Điều 16), cụ thể như sau:

a) Trường hợp xe thân liền kéo rơ moóc một cụm trục với khoảng cách tính từ tâm lỗ chốt kéo của thanh kéo đến điểm giữa của cụm trục của rơ moóc đo trên mặt phẳng nằm ngang của thanh kéo lớn hơn hoặc bằng 3,7 mét, tổng trọng lượng của tổ hợp xe ≤ 45 tấn;

b) Trường hợp xe thân liền kéo rơ moóc nhiều cụm trục với khoảng cách tính từ tâm lỗ chốt kéo của thanh kéo đến tâm trục trước hoặc điểm giữa của cụm trục trước của rơ moóc đo theo mặt phẳng nằm ngang của thanh kéo lớn hơn hoặc bằng 3,0 mét, tổng trọng lượng của tổ hợp xe ≤ 45 tấn.


4. Đối với trường hợp tổ hợp xe đầu kéo kéo sơmi rơ moóc (quy định tại khoản 2 Điều này) nhưng có khoảng cách tính từ tâm chốt kéo đến tâm trục bánh đầu tiên của sơmi rơ moóc < 3,2 mét hoặc tổ hợp xe thân liền kéo rơ moóc một cụm trục nhưng có khoảng cách tính từ tâm lỗ chốt kéo của thanh kéo đến điểm giữa của cụm trục của rơ moóc nhỏ hơn 3,7 mét hoặc tổ hợp xe thân liền kéo rơ moóc nhiều cụm trục nhưng có khoảng cách tính từ tâm lỗ chốt kéo của thanh kéo đến tâm trục trước hoặc điểm giữa của cụm trục trước của rơ moóc nhỏ hơn 3,0 mét, tổng trọng lượng của tổ hợp xe phải giảm 2 tấn trên 1 mét dài ngắn đi.


5. Đối với xe hoặc tổ hợp xe có trục phụ (có cơ cấu nâng, hạ trục phụ), tổng trọng lượng của xe hoặc tổ hợp xe được xác định theo quy định tại Điều 16 và khoản 1, 2 và khoản 3 Điều này tương ứng với tổng số trục xe thực tế tác dụng trực tiếp lên mặt đường khi lưu thông trên đường bộ.


III. Lưu ý về giới hạn tải trọng xe đầu kéo được phép lưu thông trên đường bộ


Đa số các tuyến cầu đường gắn biển báo tính theo tổng trọng lượng cả xe và hàng tối đa không quá 30 tấn
Đa số các tuyến cầu đường gắn biển báo tính theo tổng trọng lượng cả xe và hàng tối đa không quá 30 tấn

Hiện nay, doanh nghiệp vẫn đau đáu tình trạng xe chở hàng đủ theo chuẩn quốc tế, theo cho phép của đăng kiểm, nhưng vẫn quá tải trên hầu hết các tuyến đường của Việt Nam.


Trước tiên là ở vấn đề tải trọng cầu đường, đa số các tuyến cầu đường ở Việt Nam còn có tải trọng thấp, gây khó khăn trong việc vận tải hàng hóa. Chẳng hạn, trên tuyến quốc lộ 52 (Xa lộ Hà Nội) đi vào cảng Cát Lái (cảng giao nhận hàng hóa lớn nhất nước hiện nay), ở cầu Suối Cái nằm gần ngã ba Khu công nghệ cao TPHCM gắn biển tải trọng cầu 20 tấn, còn ở cầu Sài Gòn lại gắn biển tải trọng cầu là 25 tấn gây khó khăn cho doanh nghiệp vận tải.


Đa số các tuyến cầu đường hiện nay vẫn còn gắn biển báo tính theo tổng trọng lượng cả xe và hàng tối đa không quá 30 tấn - mà không chú ý đến số lượng trục chuyên chở container, theo như thông tư 46/2015/TT-BGTVT Bộ GTVT đã quy định. Một số nơi đặc biệt như trong ví dụ trên thậm chí cho phép mức tải trọng thấp hơn là 25 tấn tính cả trọng tải của hàng hóa chuyên chở. Do vậy, gần như 100% xe tổ hợp đầu kéo chở container đều vi phạm lỗi quá tải trọng cầu. Điều này lại càng khiến cho các nhà vận tải lúng túng khi sắp xếp hàng hóa và lựa chọn con đường vận chuyển tốt nhất mà vẫn tuân thủ đúng theo luật giao thông. Trong những trường hợp này, cho dù là là xe tiêu chuẩn quốc tế, chở hàng theo đúng tiêu chuẩn quốc tế quy định, được cơ quan đăng kiểm Việt Nam cho phép, cũng chưa chắc đã được lưu thông bình thường trên hệ thống đường bộ đã được đầu tư nâng cấp theo tiêu chuẩn tiên tiến nhất tại Việt Nam.


Giới hạn tải trọng xe đầu kéo được phép lưu thông trên đường bộ
Giới hạn tải trọng xe đầu kéo được phép lưu thông trên đường bộ

Không những gặp khó khăn khi di chuyển, chính việc sắp xếp hàng hóa sao cho phù hợp với quy định cũng khiến các doanh nghiệp gặp nhiều rắc rối.


Một xe sơ mi rơ mooc khi chở đầy hàng hóa sẽ có trọng lượng trong khoảng 35 - 45 tấn (tùy theo loại container, số lượng trục xe và số lượng hàng hóa chuyên chở). Dựa vào bảng tiêu chuẩn quốc tế ở trên, có thể thấy các container đều có tải trọng tối đa trong khoảng 30 tấn. Sau khi được xếp lên các xe đầu kéo, chắc chắn những xe này sẽ có mức trọng tải trên 40 tấn.


Theo thông tư 46/2015/TT-BGTVT, xe tổ hợp đầu kéo sơmi rơmoóc càng nhiều trục thì tổng trọng tải càng lớn. Mức giới hạn tổng trọng tải cả hàng hóa và phương tiện tối đa cho phép là 45 tấn đối với xe tổ hợp có 6 trục trở lên. Có thể lấy ví dụ như một đầu kéo có trọng tải khoảng 12 tấn + container 40’ có trọng tải khoảng 32,7 tấn thì vẫn đủ điều kiện lưu hành bởi quy định tối đa là 40 tấn nhưng trong phạm vi cho phép được vượt 1,1 lần thì vừa đủ để được phép lưu hành. Cách tính này khác với việc tính chung với tổng tải trọng của xe thân liền 4 trục có giới hạn tối đa là 30 tấn. Chính từ việc làm rõ cách tính tải trọng này mà các loại xe container hoặc xe đầu kéo, kéo theo sơmi rơ moóc hoặc rơ moóc nếu xếp hàng đúng theo các quy định thì vẫn có thể lưu hành bình thường mà không vi phạm về tải trọng và cũng không phải xin giấy phép lưu hành xe quá khổ, quá tải. Tuy nhiên không phải lúc nào doanh nghiệp cũng có thể áp dụng hình thức này. Lý do nằm ở sự thiếu nhất quán trong các quy định. Một số nơi gắn biển báo về định mức tải trọng trục, nhưng một số nơi lại có quy định về tải trọng cầu, tức là tổng tải trọng của xe chở và hàng hóa.


Như vậy, các nhà quản lý vận tải cần nắm rõ mức tải trọng của các tuyến đường di chuyển trước khi đưa ra lộ trình hợp lý. Một số cầu, tuyến đường nhỏ không cho phép xe có tải trọng lớn đi qua nên cần có biện pháp điều hướng hợp lý, vừa tránh vi phạm quá tải vừa giảm chi phí phát sinh khi sử lựa chọn lộ trình dài hơn.



Bạn hoàn toàn có thể cắt giảm chi phí logistics cho doanh nghiệp của mình ngay hôm nay với Abivin vRoute!

Nhấn vào https://www.abivin.com/vroute để tìm hiểu thêm!





0 bình luận
  • Facebook Social Icon
  • LinkedIn Social Icon
  • YouTube Social  Icon
  • Twitter Social Icon
bottom of page