top of page

The World Of Innovative Logistics

Abivin vRoute 4.0 is free now!

Cách Lựa Chọn Loại Hình Vận Tải Trong Logistics

Vận tải là khía cạnh không thể thiếu trong Logistics. Một công ty không thể duy trì hoạt động nếu như hàng hóa không được luân chuyển trong chuỗi cung ứng. Vận tải cho phép các công ty vượt qua rào cản về địa lý giữa nơi sản xuất tới khu vực tiêu thụ sản phẩm. Trong logistics, vận tải có thể bao gồm việc lên kế hoạch, sắp xếp và kiểm soát các hoạt động liên quan tới lựa chọn phương tiện, nhà cung cấp phù hợp và di chuyển hàng ra - vào một địa điểm cụ thể.


Các nhà quản lý vận tải quản lý trung bình khoảng 60% chi phí logistics của doanh nghiệp. Một nhà quản lý cần cân nhắc để tìm những đối tác giao hàng phù hợp và đưa ra lựa chọn xem doanh nghiệp nên vận hành đội xe riêng hay lựa chọn thuê bên thứ ba. Với bất kì lựa chọn nào, người quản lý cũng cần nắm rõ về những loại hình vận tải khác nhau để vận chuyển hàng hóa. Hàng hóa ngày nay có thể được chuyên chở qua đường bộ, đường thủy, đường hàng không và cả đường ống.


Các phương thức vận tải khác nhau
Các phương thức vận tải khác nhau

Không thể phủ nhận rằng việc lựa chọn một phương thức vận chuyển hàng hóa phù hợp chưa bao giờ là dễ dàng. Có rất nhiều tiêu chí cần xem xét, bao gồm khả năng tiếp cận, khối lượng hàng hóa, thời gian vận chuyển, độ tin cậy,… Tuy nhiên, nhà quản lý có thể rút gọn thời gian đánh giá dựa trên 3 tiêu chí: kích thước lô hàng, thời hạn giao hàng và độ bền của hàng hóa.


1. Kích thước sản phẩm


Trong 3 tiêu chí đánh giá này, kích thước sản phẩm là một trong các yếu tố quan trọng nhất. Nhà quản lý cần phải nhận thức rõ ràng về trọng lượng, tỷ trọng, hình dạng cũng như bao bì của hàng hóa. Ví dụ với các sản phẩm có kích thước nhẹ như linh kiện điện tử, chúng có thể được vận chuyển bằng đường bộ hoặc đường không, trong khi các sản phẩm nặng hơn như quặng sắt lại thích hợp với việc vận chuyển qua đường sắt hoặc đường thủy. Hình dạng của hàng hóa cũng là một yếu tố cần xem xét, vì trên thực tế, việc vận chuyển bằng đường bộ và đường không có những giới hạn nhất định về kích thước. Sức chứa của phương tiện cần phải tương thích với trọng lượng và kích thước của hàng hóa.


Kích thước sản phẩm là một trong các yếu tố quan trọng nhất
Kích thước sản phẩm là một trong các yếu tố quan trọng nhất

Một số tiêu chí cần xem xét song song với việc đánh giá về kích thước của sản phẩm:


  • Điểm xuất phát và điểm kết thúc

  • Các tuyến đường được chỉ định sẵn cho hàng hóa

  • Cơ sở hạ tầng giao thông

  • Khoảng cách vật lý khi vận chuyển

  • Khoảng cách tự nhiên

  • Những trở ngại có thể có


2. Độ bền của hàng hóa


Nhà quản lý cần xem xét về độ bền của hàng hóa trước khi đưa ra quyết định. Những hàng hóa dễ vỡ như được làm từ thủy tinh hoặc các thiết bị điện tử với những yêu cầu đặc biệt trong khâu đóng gói cần được vận chuyển trên những tuyến đường bằng phẳng để tránh va chạm. Những sản phẩm nhạy cảm với nhiệt độ như thực phẩm hoặc dược phẩm cũng có những yêu cầu về việc đóng gói đúng quy định và được vận chuyển trong các phương tiện có thể điều chỉnh nhiệt độ.


3. Giá trị của sản phẩm và tốc độ vận chuyển


Đây là một tiêu chí phức tạp mà nhà quản lý cần xem xét trước khi chọn lựa phương tiện vận chuyển phù hợp. Càng phải chi trả nhiều cho khâu vận chuyển, giá cả của hàng hóa sẽ càng kém cạnh tranh trên thị trường. Tốc độ giao hàng được coi là yếu tố quyết định khi lựa chọn phương thức vận tải, vì nó là yếu tố có ảnh hưởng lớn tới chi phí vận chuyển hàng hóa. So với việc xem xét về kích thước của lô hàng, thì thời hạn giao hàng ở mức quan trọng hơn.


Để chọn phương tiện vận tải tối ưu khi có nhiều mặt hàng với giá trị khác nhau, nhà quản lý cần chú ý đến mật độ giá trị và mật độ đóng gói của hàng hóa. Điều này đồng nghĩa với việc phải tính toán giá trị của từng đơn vị được vận chuyển theo mét khối so với số lượng có thể được đóng gói trên từng mét khối. Trên thực tế, những mặt hàng có mật độ giá trị cao hơn có xu hướng được vận chuyển bằng phương pháp vận tải có tốc độ nhanh hơn; và ngược lại, những mặt hàng có mật độ giá trị thấp hơn sẽ được gửi bằng những phương tiện có tốc độ chậm hơn và có khả năng được lưu trữ trong kho chờ ngày xuất. Cần lưu ý, mật độ đơn vị càng nhiều trên một mét khối thì càng cần phải có máy móc tự động để xử lý hàng hóa.


Mật độ giá trị và mật độ đóng gói của hàng hóa
Mật độ giá trị và mật độ đóng gói của hàng hóa

Để làm rõ nguyên lý này, chúng ta có thể lấy ví dụ ở một bưu cục. Họ không thực sự sở hữu thư từ và các kiện hàng, vì vậy mật độ giá trị quy đổi bằng không. Những bức thư và kiện hàng hóa được thu về từ thùng thư và mang đến các chi nhánh. Tại đây mật độ đóng gói sẽ rất cao nếu giả sử có hơn 10000 bức thư trên một mét khối, vì vậy bưu cục sẽ phải có một hệ thống xử lý dữ liệu tự động.


Một ví dụ khác về hàng hóa có mật độ giá trị thấp và mật độ đóng gói thấp là gạch. Giá trị của từng viên gạch rất thấp, và mật độ đóng gói cũng thấp vì chúng phải đóng gói theo pallet. (Pallet là một cấu trúc phẳng hỗ trợ sắp xếp hàng hóa một cách ổn định khi được xe nâng nhấc lên). Với loại vật liệu này, chiến lược phù hợp sẽ là vận chuyển các pallet từ nhà máy sản xuất trực tiếp tới khách hàng, sử dụng phương thức vận chuyển có kinh phí thấp.


Ví dụ cuối cùng là về những máy photocopy và máy ảnh cầm tay. Trong khi máy photocopy có mật độ giá trị thấp thì máy ảnh lại có mật độ giá trị khá cao. Ở Mỹ, cả hai sản phẩm này thường được vận chuyển trong các container. Yếu tố quan trọng với 2 mặt hàng này là làm thế nào để doanh nghiệp thu hồi vốn trong thời gian ngắn nhất. Chính vì thế, doanh nghiệp nhiều khả năng chọn vận tải qua hàng không.

0 comments
  • Facebook Social Icon
  • LinkedIn Social Icon
  • YouTube Social  Icon
  • Twitter Social Icon
bottom of page